Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016
Ai cấm giá xăng dầu giảm theo ngày?
Theo đúng quy định hiện nay, giá xăng dầu ở Việt Nam lẽ ra có thể giảm theo ngày mà không cần phải chờ 15 ngày/lần như cách đang diễn ra cả năm qua.
Giữa tuần trước, sự bình yên của thị trường xăng dầu bỗng rộn rã trở lại bởi thông tin "giá xăng dầu Việt Nam có thể được điều chỉnh theo ngày".
Đầu tiên là bản tin "Thứ trưởng Bộ Công Thương: Giá xăng có thể được điều chỉnh hàng ngày". Vài ngày sau là bản tin "Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng muốn điều hành xăng dầu theo ngày". Và cuối cùng, chốt lại, nhà đài quốc gia và một số tờ báo cùng dẫn tin "Bộ Tài chính - Công Thương ủng hộ điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày".
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương giải thích: "Đó là mong muốn trong tương lai thôi. Không phải là Bộ đã có kế hoạch thay đổi gì về cơ chế điều hành giá xăng dầu".
Cả hai vị lãnh đạo hai bộ này đều bày tỏ quan điểm rằng "không cần chờ đợi 15 ngày/lần như hiện nay" và như vừa qua.
Thoạt đầu nghe qua, chia sẻ trên của các vị lãnh đạo 2 bộ trên rất tiên tiến hơn hẳn so với cách điều hành hiện nay.
Thậm chí, điều đó giống như một giải pháp cải cách đột phá nhằm đưa giá cả của loại nhiên liệu được coi là nhạy cảm ở nền kinh tế Việt Nam này sát với thị trường thế giới hơn. Hai chữ "mong muốn" phần nào hàm ý rằng, chuyện điều chỉnh giá theo ngày là điều gì khó khăn, không dễ thực hiện!
Giá xăng dầu có thể giảm sớm hơn chu kỳ 15 ngày mà không phạm luật
Nhưng hãy đọc lại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu ban hành ngày 3/9/2014 đang có hiệu lực và thậm chí, nhìn lại Nghị định 84 cũ đã bị thay thế, định hướng trên chẳng có gì là mới!
Có ai cấm các Bộ điều hành giá xăng dầu theo ngày đâu? Xin nói rõ thêm, đó là trường hợp điều hành giảm giá.
Cụ thể, Điểm c, Khoản 1, Điều 38, Nghị định 83 quy định "thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá".
Khoản 2 của Điều 38 này cũng nêu rõ, các thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng với biến động đầu vào và "không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá"
Như vậy, khung pháp lý cho việc "giảm giá theo ngày" là hoàn toàn đã đầy đủ và hợp tình hợp lý. Giảm giá là có lợi cho người dân, cho cả nền kinh tế. Các doanh nghiệp có quyền chủ động hạ nhiệt giá xăng dầu bất kỳ thời gian nào. 15 ngày ở đây là được hiểu là thời hạn cuối cùng bắt buộc phải giảm giá. Sang ngày thứ 16 mới giảm giá, doanh nghiệp sẽ bị xử lý vi phạm.
Nghị định 83 hiện nay chỉ khống chế việc tăng giá liên tiếp tần suất dày và cách tối thiểu 15 ngày mới được tăng giá.
Tuy nhiên, thời gian qua, Liên Bộ Công Thương- Tài chính dường như đã đánh đồng con số 15 ngày là cùng một ý nghĩa đối với cả tình huống tăng và giảm giá.
Không chỉ vậy, ngoài việc phải kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ đương nhiên, Liên Bộ lại "ôm" luôn quyền điều hành giảm giá hàng ngày của các doanh nghiệp.
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Trần Minh Hà, Phó Tổng giám đốc SaigonPetro thừa nhận: "Các doanh nghiệp nhìn nhau để điều chỉnh giá và các doanh nghiệp nhỏ thường "dựa" theo tín hiệu của doanh nghiệp lớn".
Theo cách thức hiện nay, sau khi Bộ Công Thương gửi công văn công bố giá cơ sở tới các doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới ra quyết định điều chỉnh giá và báo cáo Bộ. Tuy nhiên, Bộ thường công bố giá cơ sở này 15 ngày/lần nên đó cũng là lý do khiến doanh nghiệp đầu mối không chủ động gửi văn bản giảm giá sớm hơn 15 ngày, ông Hà phân tích.
Trên thực tế, Nghị định 83, Điều 39 mặc dù nêu rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương phải công bố thông tin này nhưng không hề quy định, 15 ngày mới được công bố một lần.
Ấy vậy mà, ông Đỗ Thắng Hải lại khẳng định trong bản thông cáo mới nhất rằng: "Chu kỳ điều hành giá xăng dầu 15 ngày một lần là đúng quy định của Nghị định 83".
Vô hình chung, tất cả động thái lên xuống của thị trường xăng dầu đều phải chờ đợi một công văn mỗi tháng 2 lần ban hành của Bộ Công Thương.
Kể từ ngày 3/11/2015 đến nay, giá xăng dầu trong nước đáng lẽ có thể giảm với tần suất nhiều hơn chứ không phải chỉ có 5 lần giảm như vừa qua.
Đằng sau sự nhịp nhàng, đều đặn việc điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần đó, lợi ích của người dân đã bị suy giảm khi không chắc đã được hưởng lợi trọn vẹn từ việc giá dầu thô thế giới đang giảm sâu.
Giám sát, kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước là đúng nhưng có lẽ, không phải là cách làm thay doanh nghiệp như ở thị trường xăng dầu hiện nay. Tinh thần kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường đúng Nghị định 83 đã không hẳn được thực hiện đầy đủ.
Phạm Huyền / Vietnamnet.vn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét